Bức bình phong bằng gỗ chạm khắc vào năm “Bảo Đại thất niên” (1931) dưới thời Nguyễn.
Bình phong được khảm bằng xà cừ tạo dáng cuốn thư có giá đỡ; diềm được chạm khắc cầu kỳ tinh xảo hoa lá và con vật như dơi, chuột, thằn lằn, chim; mảng chính diện trước mặt bình phong chạm hình rồng bao quanh hình tháp rùa; hai mặt bên khảm phong cảnh, cây hoa, chim; mặt sau bình phong khảm bài “Giới tử minh” bằng chữ Hán, một bên có dòng chữ “Bảo Đại thất niên” (1931); chân bình phong được chạm kiểu chân quỳ, đế chạm hình dơi.
Bức bình phong gỗ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám như một bức tranh sống động, đặc biệt bài thơ “Giới tử minh” còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc nói tới quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giáo dục các thế hệ sau. Qua thời gian, đến nay bức bình phong vẫn còn nguyên vẹn và là một trong những hiện vật có giá trị tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.