Đại Tự: Đại Thành Môn

Bức đại tự “Đại Thành môn” treo chính giữa cổng Đại Thành mang nhiều thông tin giá trị và ý nghĩa. Chữ “Đại Thành” xuất phát từ lời nhận xét của Mạnh Tử về Khổng Tử: Khổng Tử là Tập Đại Thành, hội tụ học vấn, hiểu biết, tinh hoa của các bậc tiên Thánh, tiên Nho.

Bức đại tự có hình chữ nhật, vát hai góc phía trên, đường viền 3 mặt, phủ một lớp sơn ta màu đỏ, bề mặt có 25 chữ Hán màu đen, chính giữa khắc 3 chữ Hán lớn ”門 成 大”, phiên âm đọc từ phải sang trái là Đại Thành môn (nghĩa là: Cổng Đại Thành).

Hai bên có hai dòng lạc khoản: Lạc khoản bên phải là:

“李 聖 宗 神 武 二 年 庚 戌 秋 八 月 奉 建”

Phiên âm: Lý Thánh Tông thần vũ nhị niên thu bát nguyệt phụng kiến. Dịch nghĩa: Đời vua Lý Thánh Tông năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 mùa thu tháng 8 xây dựng Văn Miếu (1070).

Lạc khoản bên trái:

”同 慶 三 年 戊 子 仲 冬 大 修”

Phiên âm: Đồng Khánh tam niên Mậu Tý trong đông đại tu.

Đại tự Đại Thành môn thêm lần nữa khẳng định sự ra đời của Văn Miếu, chứng minh cho việc đề cao đạo học, trọng hiền tài của dân tộc ta. Bên cạnh đó, các nội dung thông tin được khắc trên bức đại tự trở thành những tư liệu quý, hữu ích khi nghiên cứu về Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.