Bốn chiếc nghiên mực bằng đá mang phong cách nghệ thuật thời Lê, xưa kia được trong khu nhà Thái Học. Nghiên mực là một trong bốn vật quý gọi là “văn phòng tứ bảo”, nghiên dùng để mài mực và chứa mực dùng vào việc viết chữ.
Nghiên có dạng hình hộp chữ nhật, trên bề mặt có gờ nổi được chia làm 3 ô với 2 ô để trống và 1 ô chạm nổi hình cá chép hóa rồng. Thân nghiên chia làm 3 phần: phần trán tạo các ô trống có gờ bo xung quanh phía trước và sau khắc 4 chữ Hán thể Triện "Thái học đường nghiên" (nghĩa: Nghiên mực nhà Thái học); phần cổ tạo khoảng cách có đường gờ ở giữa; chân tạc lõm vào ở giữa, soi gờ kẻ chỉ xung quanh, góc trên trang trí hoa văn hình mây, chân đế giật cấp ra ngoài, không trang trí.
Nghiên mực là vật dụng không thể thiếu của những người Nho sinh nói chung và thầy trò Quốc Tử Giám nói riêng. Chiếc nghiên được đặt tại nhà Thái học xưa đã chứng kiến bao đổi thay của trường Giám và thời cuộc.