Nghê cối cửa mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Lê (khoảng TK XV - XVII) được đặt làm cối cửa cổng Đại Thành.
Cổng Đại Thành là cổng để bước vào sân Đại Bái và điện Đại Thành. Trên lưng mỗi con nghê được khoét lỗ tròn làm thành cối cửa. Hai con nghê bằng gỗ được phủ sơn trên bề mặt bằng sơn ta mầu đỏ, miệng rộng, miệng mỉm cười lộ hàm răng trên, cằm dưới có râu, hai mắt lồi, đình đầu có bờm hình đao mác, nghê tạc dạng quỳ. Còn đôi nghê bằng đá tạc miệng cười rộng, hở hai răng nanh, mồm ngậm ngọc, hàm dưới có râu hình xoắn móc, mũi to, mắt lồi, đỉnh đầu và sau gáy có bờm, đuôi nghê vắt lên thân tạo hình lá, nghê quỳ trên bệ.
Theo quan niệm của người phương Đông, nghê được coi như người gác cổng, có khả năng phát hiện ra kẻ gian, người thiện, nhằm nhắc nhở con người nên hành động và cư xử hướng đến những điều tốt đẹp.
Nghê cối cửa tại cổng Đại Thành là một trong những hiện vật mang nhiều giá trị còn lưu giữ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.