Niên hiệu: Hồng Đức thứ 18 (1487)
Ngày dựng: Ngày 15 tháng 8 năm 1484
Kích thước:
Bia: Chiều cao 151cm, chiều rộng 108cm, dày 18cm
Đế bia (rùa): Chiều dài 196cm, chiều rộng 112cm, chiều cao 32cm
Đặc điểm: Trán bia: Mây ba cụm đỡ mặt trời, xung quanh là mây lửa. Diềm bia: Hoa dây kim ngân, hoa sen, hoa cúc, biến thể mây khánh. Rùa: Đầu nghểnh cao, cổ vươn dài, trán nổi gờ, mắt lồi, răng nanh lộ. Mai rùa khum tròn. Rùa không được chạm chân.
Thông tin chi tiết: Khoa thi thứ 9 được tổ chức dưới thời vua Lê Thánh Tông. Tháng 3 năm Đinh Mùi (1487), triều đình tổ chức khoa thi Hội, chọn được 60 người vào thi Đình. Ngày 7 tháng 4, vua ngự ra hiên điện, ra chế sách hỏi về đạo trị nước. Quan Đề điệu trường thi có: Trụ quốc Lê Quyền, Hình bộ Thượng thư Quách Đình Bảo. Quan Giám thí: Khuông Mỹ thiếu doãn Bùi Viết Lương và Ngự sử đài Thiêm Đô ngự sử, Hiển Cung đại phu Nguyễn Hoằng. Các quan Độc quyển gồm Tư chính Thượng khanh Thân Nhân Trung; Khuông Mỹ doãn Đỗ Nhuận; Hiển Cung đại phu Nguyễn Đôn Phục; Sùng Văn quán Tú Lâm cục Tư huấn Lương Thế Vinh; Đông các Hiệu thư Đào Cử; Hữu Xuân phường Hữu Duyệt thư Ông Nghĩa Đạt dâng quyển tiến đọc.
Sau khi xem xét các quyển thi, vua Lê Thánh Tông cho gọi các sĩ nhân vào cửa Nguyệt Quang để gặp mặt, quyết định lựa chọn ban thứ tự cao thấp xuất thân cho 60 vị Tiến sĩ tân khoa: Trạng nguyên là Trần Sùng Dĩnh người xã Đồng Khê, huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), Bảng nhãn Nguyễn Đức Huấn người xã An Đình, huyện Chí Linh (nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và Thám hoa là Thân Cảnh Vân người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); Hoàng giáp 30 người và 27 người được ban đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Đến ngày 4 tháng 5, vua ngự ra điện Kính Thiên cho truyền loa xướng danh các Tiến sĩ tân khoa. Vua sai Bộ Công mài đá đề tên, lại sai Tư chính Thượng khanh Thân Nhân Trung soạn bài ký, có đoạn viết: “Nhân tài phồn thịnh có quan hệ ở khí hóa của trời đất, đặc biệt là gốc ở giáo hóa của thánh nhân. Có khí hóa của trời đất thì chân nguyên hội hợp, vấn vít bàng bạc, cho nên mới có số nhiều đông đảo. Có giáo hóa của thánh nhân thì văn đức hun đúc, lan tỏa khắp nơi, cho nên mới có vẻ đẹp sum xuê”.