Niên hiệu: Cảnh Hưng thứ 24 (1763)
Ngày dựng: ngày 2 tháng 12 năm 1763
Kích thước:
Bia: Chiều cao 205cm, chiều rộng 137cm, dày 26cm
Đế bia (rùa): Chiều dài 230cm, chiều rộng 138cm, chiều cao 36cm
Đặc điểm: Trán bia trang trí theo hình thức mây vờn mặt trời (trăng), bao quanh là những nốt tròn như hạt ngọc hoặc các vì tinh tú, hình rồng như những chiếc lá (lá hóa long). Diềm bia: hoa văn lá lật. Rùa: đầu ngẩng cao, mai rùa chạm khắc hình quy bối.
Thông tin chi tiết: Mùa xuân năm Quí Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) theo lệ cũ, vua Lê Hiển Tông tổ chức khoa thi Hội các cử nhân trong nước. Đặc sai Phó tướng Trung kính quân doanh Đô đốc Thiêm sự, thự Phủ sự, Khanh quận công Trịnh Kiều làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng, Hình bộ Thượng thư, hành Ngự sử đài Đô ngự sử, Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri cống cử, Nhập thị Tả chính ngôn, Hộ bộ Hữu thị lang, Trí sĩ khởi phục, Diên Phương bá Lê Trọng Thứ làm Giám thí, cùng các quan chấp sự chia giữ các việc. Tháng 4, có danh sách 5 người trúng cách.
Đến tháng 9, các vị tân khoa Hội thí được vào thi Điện. Thiếu bảo, Binh bộ Thượng thư, Quốc Tử Giám Tế tửu, Trí sĩ khởi phục, Phụng thị ngũ lão, Huy quận công Hà Tông Huân, Nhập thị thiêm sai phủ liêu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, kiêm Bí thư các Học sĩ, Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn, Kinh Bắc xứ Hiến sát sứ Trần Văn Trứ dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng ban cho 5 người gồm: Viên ngoại lang Vũ Cơ, Tri huyện Nguyễn Duy Thức, Huấn đạo Hoa Quý Khâm, Nho sinh Phạm Dương Ưng và Huấn đạo Nguyễn Lệnh Tân đều đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân. Tháng 10, ban cấp áo mũ triều phục, cho vinh qui về làng.
Cuối năm chiếu lệ cũ, Bộ Công cho dựng bia Đề danh Tiến sĩ, sai bề tôi là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập thị thiêm sai phủ liêu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, kiêm Bí thư các Học sĩ, kiêm Quốc sử viện sự, Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn vâng sắc soạn bài kí trên bia. Triều Liệt đại phu, Nhập thị thiêm sai Hữu tư giảng, Đông các Đại học sĩ, hành Phụng Thiên Phủ doãn Nguyễn Hoản vâng sắc nhuận. Ngự sử đài Đô lại thủ bạ, Đồng Tri châu Trần Đình Khoa vâng mệnh viết chữ. Thạch cục Lê Văn Lộc vâng mệnh khắc chữ. Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn khi soạn văn bia có viết: “Đặt chế độ trị nước trị tất phải nhờ ở nhân tài trong nước. Nhân tài sinh ra thì mênh mông không cùng, nhưng phải dạy dỗ rồi sau mới thành, lại phải đem dùng rồi mới thấy rõ”.