Niên hiệu: Cảnh Hưng thứ 18 (1757)
Ngày dựng: ngày 19 tháng Chạp năm 1757
Kích thước:
Bia: Chiều cao 194cm, chiều rộng 119cm, dày 25cm
Đế bia (rùa): Chiều dài 219cm, chiều rộng 125cm, chiều cao 43cm
Đặc điểm: Trán bia trang trí hình mây, mặt trời, rồng. Diềm bia: dây hoa leo chạy dài hình sin. Rùa: đầu ngẩng cao, mai rùa chạm khắc hình quy bối.
Thông tin chi tiết: Mùa xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757), vua Lê Hiển Tông cho tổ chức khoa thi Hội. Đặc sai Đô đốc đồng, tri Tại trung kinh quân doanh, thự Phủ sự Phó đô tướng Khanh quận công Trịnh Kiều làm Đề điệu, Bồi tụng, Công bộ Tả thị lang Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh làm Tri cống cử, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu, Thiêm sai Thị nội thư tả Hình phiên, Đông các Đại học sĩ, Tuân Lĩnh bá Bùi Trọng Huyến làm Giám thí. Qua bốn trường chọn được 6 người xuất sắc vào thi Điện.
Vua Lê Hiển Tông xem xét bài thi, ban cho 1 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) là Bùi Đình Dự người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình), lại ban cho 5 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân. Các vị Tiến sĩ tân khoa được triều đình ưu thưởng trọng hậu: gọi loa xướng tên, cấp khoa tự, ban quan phục, hoa bạc, cho dự yến Quỳnh, ban áo gấm vinh quy xong lại về triều nhậm chức.
Đến tháng Chạp, hoàng thượng lại cho khắc tên vào bia đá dựng ngoài cửa nhà Thái học, sai văn thần là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập nội thị Bồi tụng, Ngự sử đài Phó đô Ngự sử hành Binh bộ Tả thị lang tri Hàn lâm viện sự, Bá Trạch hầu Nhữ Đình Toản soạn bài ký. Môn thị nội Cai hợp Binh phiên Điển thư Nguyễn Hữu Hàm, người xã Nhân Mục Môn huyện Thanh Trì vâng viết chữ. Văn thần Nhữ Đình Toản khi soạn văn bia có khuyên răn các tân Tiến sĩ: “Những kẻ sĩ được khắc tên vào bia đá, ai chẳng lo toan gây dựng cơ nghiệp vương triều trở nên tốt đẹp như ngọc vàng, để làm nền tảng cho triều đình, làm cột rường cho xã tắc, công danh sự nghiệp sẽ còn mãi với tấm đá này. Thế thì việc dựng tấm bia đá này không chỉ để trông vào cho đẹp mắt một thời, mà còn để lại tiếng thơm muôn thủa”.