58
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Canh Dần (1710)

Niên hiệu: Vĩnh Thịnh 6 (1710)

Ngày dựng: Ngày 2 tháng 3 năm 1717

Kích thước:

Bia: Chiều cao 184cm, chiều rộng 121cm, dày 25cm

Đế bia (rùa): Chiều dài 148cm, chiều rộng 122cm, chiều cao 31cm

Đặc điểm: Trán bia hình mây, mặt trời, rồng. Diềm bia: hoa dây xếp theo lối hoa và dây leo uốn khúc hình sin đều đặn. Rùa: đầu ngẩng cao, mai rùa không chạm khắc, có gờ ở giữa sống lưng.

Thông tin chi tiết: Mùa xuân năm Canh Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710), vua Lê Dụ Tông tổ chức khoa thi Hội, lấy đỗ 21 người.

Ngày thi Đình, hoàng thượng sai Đề điệu là Thiếu úy Cơ quận công Trịnh Lãng, Tri Cống cử là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Khánh Sơn bá Nguyễn Thế Bá, Giám thí là Bồi tụng Binh bộ Tả thị lang thự Trung thư giám Hải Khánh tử Nguyễn Công Đổng và Bồi tụng Hình bộ Tả thị lang Thọ Nhạc tử Nhữ Đình Hiền chia giữ các việc. Sau khi dâng quyển, vua Lê Dụ Tông ban cho 01 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) là Phạm Khiêm Ích người xã Bảo Triện, huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và 01 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) là Nguyễn Công Khuê người Lê Xá huyện Chương Đức (nay thuộc xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Lại ban cho 19 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Năm 1717, Bộ Công cho dựng bia đá Đề danh Tiến sĩ khoa thi này. Bài ký do Cẩn sự lang Hàn lâm viện hiệu thảo Nguyễn Nham soạn có đoạn nói rõ mục đích của việc dựng bia “nay thánh thượng muốn truy lập bia các khoa trước khiến cho vàng ngọc tương hòa, tỏ ý sự vật đủ đầy, văn chương không sót, chẳng những biểu dương các Tiến sĩ đương thời, lại còn đặc biệt chú ý dựng đủ bia các khoa đời trước. Bia cao dựng lên, họ tên ngời sáng, vừa là nêu việc lớn của Nho khoa, vừa là để cho sĩ tử vinh hạnh trông vào. Làm như thế là để bồi bổ sĩ phong, phù trì thế giáo, há chẳng phải làm vẻ vang đời trước, mà chiếu rọi đời sau hay sao?”. Tá lý công thần Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu Tham tụng Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm quận công Nguyễn Đức Quý nhuận sắc bài kí trên bia. Thị nội thư tả bộ Binh phiên, người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngạn Nguyễn Đình Cổn viết chữ.