Niên hiệu: Hoằng Định 17 (1616)
Ngày dựng: Ngày 16 tháng 11 năm 1653
Kích thước:
Bia: Chiều cao 164cm, chiều rộng 117cm, dày 32cm
Đế bia (rùa): Chiều dài 173cm, chiều rộng 130cm, chiều cao 30cm
Đặc điểm: Trán bia: Trang trí mây, mặt trời (trăng), bao quanh là những nốt tròn như hạt ngọc hoặc các vì tinh tú. Diềm bia: Trang trí hoa dây chạy dài liên tục, uốn lượn hình sin, xen kẽ là chim muông. Rùa: Đầu ngẩng cao, mai rùa không chạm khắc.
Thông tin chi tiết: Năm Bính Thìn (1616), vua Lê Kính Tông mở khoa thi Hội. Các quan tổ chức kỳ thi có Đề điệu là Tả đô đốc Lỵ quận công Lê Lựu, Tri cống cử là Lễ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Đông các Đại học sĩ Nghĩa Khê hầu Nguyễn Lễ, Giám thí là Lại bộ Tả Thị lang, Phú Xuân hầu Ngô Trí Hoà và Hộ bộ Tả Thị lang, Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ, chọn hạng xuất sắc được 4 người vào thi Điện.
Hoàng thượng ngự lãm, ra đề thi Đình đối, đích thân định thứ bậc cao thấp. Đặc ban cho bọn Lê Trí Dụng, người xã Yên Nhân huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cùng 3 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi xướng danh, yết bảng vàng trước cửa nhà Quốc học, các vị tân Tiến sĩ đều được ban cho áo mũ phẩm phục, cho dự yến Quỳnh Lâm, rồi cho vinh quy về làng, ban cho tước lộc phẩm trật trọng hậu, ơn huệ thật nhuần thấm dồi dào.
Đến năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), vua Lê Thần Tông sai từ thần chia nhau soạn các bài ký khắc lên đá xanh để biểu dương cho nổi bật. Bia Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1616) cũng được dựng trong đợt này. Nhà vua sai Lê Đình Lại soạn bài ký. Kẻ sĩ được khắc tên trên bia đá này là niềm vinh hạnh lớn lao, vì thế “phải nên lấy trung hậu mà đứng trong triều, tự giữ phép công minh liêm chính, văn chương phải đủ để đẹp nước, đạo đức phải đủ để cứu đời”, đối với nước nhà thì “có nhân tài cũng như con người có nguyên khí. Nguyên khí thịnh mạnh thì con người sống lâu, mà đông đảo nhân tài thì nước nhà vững như núi Thái. Cho nên các bậc thánh đế minh vương không đời nào không coi việc nuôi tài kén sĩ để bồi bổ nguyên khí là việc hàng đầu”. Lại sai Dương Trí Trạch nhuận sắc, Đỗ Công Vị viết chữ và Nguyễn Quang Độ khắc chữ trên bia.