27
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Canh Tuất (1610)

Niên hiệu: Hoằng Định 12 (1610)

Ngày dựng: Ngày 16 tháng 11 năm 1653

Kích thước:

Bia: Chiều cao 160cm, chiều rộng 100cm, dày 17cm

Đế bia (rùa): Chiều dài 147cm, chiều rộng 136cm, chiều cao 19cm

Đặc điểm: Trán bia: trang trí theo hình thức mây vờn, rồng chầu mặt trời (trăng). Diềm bia: Trang trí hoa hoa dây. Rùa: Đầu ngẩng cao, mai rùa không chạm khắc.

Thông tin chi tiết: Năm Canh Tuất (1610), vua Lê Kính Tông đặc sai Đề điệu là Hữu đô đốc Nguyên quận công Trịnh Đồng, Tri cống cử là Hình bộ Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Đông các Đại học sĩ Nguyễn Lễ, Giám thí là Hộ bộ Tả Thị lang Ngô Trí Hoà, Lễ bộ Tả Thị lang Nguyễn Thực cùng các quan chia giữ các việc, vâng mệnh mở khoa thi Hội. Học trò trong nước đến kinh đô dự thi, đọ tài văn chương từ nghệ, cuối cùng chọn được hạng xuất sắc 7 người vâng mệnh vào thi Điện.

Nhà vua ban đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) cho Nguyễn Văn Khuê, người xã Bất Quần, huyện Quảng Xương (nay thuộc xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), cùng 6 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Các vị Tiến sĩ thi đỗ đều được đề tên trên bảng vàng và được ghi tên trên bia Tiến sĩ dựng ở Quốc Tử Giám.

Bia Tiến sĩ khoa thi này được dựng vào năm 1653, người soạn văn bia là Mậu Lâm lang, Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đăng Minh, trong đó có đoạn viết: “Mở khoa thi chọn kẻ sĩ là để cho vẻ vang ở đương thời; ghi tên lên bia dựng ở Quốc Tử Giám là muốn cho lưu danh với hậu thế. Vả lại thi đỗ đã có sách đăng khoa lục, lại cho tạc đá dựng bia là cốt để tôn trọng sự chính thống của nền tư văn. Từng thấy các vị thi đỗ khoa Tiến sĩ này, họ tên đã được ghi lên bảng vàng, không vị nào không hết lòng vì nước, ra sức thờ vua, khiến cho thiên hạ yên vững như Thái Sơn bàn thạch. Thế thì việc ghi tên, khắc đá càng lâu mà càng chẳng mòn vậy”; Lại sai Dực vận tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, tham Chưởng Hàn lâm viện sự, Bạt quận công, Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch nhuận sắc văn bia; Trung thư giám Hoa văn học sinh Võ Cử viết chữ; Quang tiến Thận lộc đại phu, Kim Quang môn Đãi chiếu, kiêm Triện thích thái thừa, Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ khắc chữ.