Niên hiệu: Quang Hưng thứ 6 (1583)
Ngày dựng: Ngày 16 tháng 11 năm 1653
Kích thước:
Bia: Chiều cao 168cm, chiều rộng 110cm, dày 25cm
Đế bia (rùa): Chiều dài 184cm, chiều rộng 114cm, chiều cao 25cm
Đặc điểm: Trang trí: Mây, mặt trời, rồng chầu. Diềm bia: hoa dây, chim muông, rồng, phượng. Rùa: đầu ngẩng cao, mai rùa không chạm khắc.
Thông tin chi tiết: Khoa thi Hội thứ 2 được tổ chức tại ấp thang mộc (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Chúa Trịnh đặc sai các quan Đề điệu, Tri cống cử, Giám thí khảo thí thi Hội các văn nhân tài tuấn, lấy trúng cách được 4 người.
Sau thi Điện, vua Lê Thế Tông đích thân xét định, cho 3 người hạng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân gồm Nguyễn Nhâm Thiệm người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa (nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Phong người xã Bình Hồ huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Trần Phúc Hựu người xã Yên Việt Hạ huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và 1 người là Nguyễn Văn Thông người xã Hương Cái huyện Hưng Nguyên đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Triều đình ban ân điển cho các vị tân khoa theo thứ bậc như lệ cũ. Duy việc dựng bia đề danh Tiến sĩ chưa được làm.
Nhân khi muôn việc rảnh rang, nghĩ đến việc các khoa thi Chế khoa từ trung hưng đến nay chưa dựng bia, vua Lê, chúa Trịnh bèn sai quan bộ Công khắc đá đề tên. Từ thần là Hàn lâm viện Đãi chế Khương Thế Hiền soạn bài ký, Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch nhuận, Trung thư giám Hoa văn học sinh Trịnh Khuê viết chữ, Nguyễn Quang Độ khắc chữ dựng bia ở cửa nhà Thái học để khuyến khích kẻ sĩ trong nước. Hàn lâm viện Đãi chế Khương Thế Hiền khi viết bài kí đã điểm lại những người đỗ khoa thi này “Có người nổi tiếng nhờ đức hạnh chính sự, có người nổi tiếng là thanh liêm trung trực. Trong đó cũng không thể không có kẻ gian tà hèn nhát. Một khi đã khắc tên lên tấm đá này, người đời sau đến xem sẽ chỉ tên mà bảo nhau: người này được, người kia hỏng; người này hay, người kia dở, nhờ đó mà kẻ thiện biết tự khuyến khích, kẻ ác biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó”.