Niên hiệu: Minh Đức thứ 3 (1529)
Ngày dựng: Tháng 12 năm 1529
Kích thước:
Bia: Chiều cao 158cm, chiều rộng 109cm, dày 20cm
Đế bia (rùa): Chiều dài 165cm, chiều rộng 103cm, chiều cao 25cm
Đặc điểm: Trán bia: Mặt trời lớn, xung quanh trang trí cánh hoa cúc, xung quanh là những đao lửa. Hai bên có hai cụm mây khánh và những đao lửa vây quanh. Diềm bia: Hoa cúc, hoa sen, hoa dây kim ngân. Rùa: đầu đã được thay thế bằng một phiến đá khác. Theo những dòng chữ để lại trên đầu rùa, đây chính là một phần của tấm bia Đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) (đã mất). Mai rùa khum, chân rùa được tạc co lên theo tư thế đang bơi.
Thông tin chi tiết: Khoa thi duy nhất được tổ chức dưới triều vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung). Khoa thi có hơn 4.000 thí sinh dự thi, lấy 27 người đỗ vào thi Đình. Ngày 18 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1529), nhà vua ngự ra điện, đích thân ra đề thi văn sách hỏi về “đạo trị thiên hạ”. Các vị quan trường gồm: Thái bảo, Diễm quốc công Mạc Kim Tiêu, Binh bộ Thượng thư, Khánh Khê hầu Mạc Ninh Chỉ giữ nhiệm vụ tổ chức kỳ thi. Hôm sau, các quan Độc quyển gồm Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, Văn Đàm bá Nguyễn Thanh và Lại bộ Thượng thư, Quốc Tử Giám Tế tửu, Bỉnh Lễ bá Đinh Chân dâng quyển tiến đọc. Vua Mạc đích thân xem xét, rồi quyết định phân chia thứ tự cao thấp xuất thân theo Tam giáp: Trạng nguyên là Đỗ Tổng người xã Lại Ốc, huyện Văn Giang (nay thuộc xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ), Bảng nhãn là Nguyễn Hãng người xã Vũ Lăng, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), Thám hoa là Nguyễn Văn Huy người xã Vĩnh Cầu, huyện Đông Ngạn (nay thuộc phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); cùng 8 người đỗ Hoàng giáp, 16 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày 24, hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, làm lễ xướng danh, ban tiền cho người thi đỗ. Bộ Lại ban ân mệnh, Bộ Lễ rước bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Đến ngày 27, ban cân đai áo mũ cao hơn lệ thường. Ngày 28, ban yến. Mồng 7 tháng 3 ban cho về vinh quy, lại ban thêm tiền. Nhà vua sai quan Bộ Công mài đá dựng bia, sai văn thần Tư chính thượng khanh Nguyễn Cư Nhân soạn bài ký, có đoạn viết: “Kẻ sĩ được gặp gỡ thánh minh, gội nhuần giáo hóa, dự vào hạng anh hùng, lên bước đường vinh quý; lại được nêu họ tên lâu dài trên bia đá, há chẳng vẻ vang may mắn lắm sao! Vậy nên phải đội ơn sâu, dốc lòng thực tiễn; lấy trung liêm để rèn tiết, lấy lễ nghĩa để ngăn ngừa; giữ lòng thẳng thắn, chẳng lệch chẳng nghiêng; làm ra sự nghiệp, lâu dài to lớn”. Lại sai Nguyễn Ngạn Chiêu vâng sắc viết chữ, Nguyễn Tấn vâng sắc viết chữ triện.