12
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Quý Mùi (1514)

Niên hiệu: Hồng Thuận thứ 6 (1514)

Ngày dựng: Ngày 17 tháng 4 năm 1521

Kích thước:

Bia: Chiều cao 159cm, chiều rộng 110cm, dày 19cm

Đế bia (rùa): Chiều dài 170cm, chiều rộng 110cm, chiều cao 45cm

Đặc điểm: Trán bia: Mây khánh ở giữa, hai bên có văn xoắn. Diềm bia: Hoa dây, hoa sen, tay xoắn vân mây. Rùa: Đầu nghểnh cao, mai rùa cong có gờ. Mắt rùa nhỏ, răng nanh nhỏ, mũi bẹt có lỗ. Chân rùa tạo khủy 5 móng được tạc sơ sài. Trên chân rùa có những nét vạch xước.

Thông tin chi tiết: Khoa thi cuối cùng được tổ chức dưới triều vua Lê Tương Dực. Tháng 3 năm Giáp Tuất (1514), có 5.700 người dự thi, trúng cách được 43 người. Ngày 27 tháng 4 sĩ tử vào thi Điện. Hoàng thượng sai các quan cùng chia giữ các việc gồm: Thượng trụ quốc Lê Phụ; Tư chính thượng khanh Đàm Thận Huy; Khuông Mỹ doãn Lê Tán Tương; Trụ quốc Lê Tung; Trụ quốc Nguyễn Bá Thuyên; Chính trị Thượng khanh Đoàn Mậu; Chính trị khanh Đỗ Nhạc. Vua ngự ra điện, đích thân ra đề thi văn sách. Đến khi tiến quyển dâng đọc, đích thân hoàng thượng xem xét, định thứ tự cao thấp: Trạng nguyên là Nguyễn Đức Lượng người huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay thuộc huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), Bảng nhãn là Nguyễn Chiêu Huấn người huyện Yên Phú, phủ Từ Sơn (nay thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), Thám hoa là Hoàng Minh Tá người huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương); lại ban cho 20 người đỗ Hoàng giáp; 20 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Bộ Lễ xin khắc đá dựng bia ở nhà Thái học để truyền lâu dài. Công việc đang tiến hành thì kinh thành gặp nạn binh đao cấp bách, nên việc dựng bia đá đề tên bị bỏ dở. Sau này vua Lê Chiêu Tông về kinh đô, ổn định triều chính mới sai Bộ Công khắc đá, giao cho Trinh ý công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Thiếu bảo, Lại bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, Chính trị thượng khanh Vũ Duệ soạn bài ký, Trung thư giám Điển thư Chu Đình Bảo viết chữ chân, Kim quang môn Đãi chế Phạm Đức Nhi khắc chữ Đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), công việc hoàn thành vào ngày 17 tháng 4 năm Tân Tỵ (1521).